Khôi phục nhà Trần Trần_Duệ_Tông

Vào năm 1369, vua Trần Dụ Tông (con thứ 10 của vua Trần Minh Tông) chết, không có con nối. Hiến Từ Thái hậu đứng ra lựa chọn người kế vị, và bà chọn cháu trai của mình, con trai của người con lớn của bà là Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, tên là Trần Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là tông thất nhà Trần mà mẹ Lễ là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương. Bà đã mang thai Lễ trước khi làm vợ Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, anh ruột cùng mẹ của Dụ Tông, mất năm 1363.

Nhật Lễ đăng ngôi, phong các chú, bác là Cung Tĩnh Đại vương Trần Nguyên Trác làm Thái tể, Cung Định Đại vương Trần Phủ làm Thái sư, Cung Tuyên vương Trần Kính làm Hữu Tướng quốc. Nhà vua về sau bỏ bê công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết Hiến Từ Thái hậu vì bà hối hận việc lập Nhật Lễ. Dương Nhật Lễ cho đón Dương Khương, cha đẻ của Nhật Lễ, vào triều, song Nhật Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình.

Đêm ngày 20 tháng 9 năm 1370, các tông thất là: cha con Thái tể Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh Công chúa đem người tôn thất vào thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và tất cả đều bị hại.

Vào mùa đông, tháng 10 năm 1370, Cung Định vương vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh Công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại,[4] phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.[5]

Vào tháng 11 năm 1370, tất cả anh em Trần Phủ, Trần Kính cùng với Thiên Ninh Công chúa dẫn quân về Kinh thành. Dương Nhật Lễ bị phế bỏ, giáng xuống làm Hôn Đức Công (昏德公).

Noi gương đời trước của nhà Trần thường giữ chế độ Hoàng đế và Thái thượng hoàng cùng trị nước, tháng 11 năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho Trần Kính và lên làm Thái thượng hoàng. Trần Kính lên ngôi, tức là Trần Duệ Tông. Trần Nghệ Tông tại vị với tôn hiệu Quang Hóa Anh Triết Thái thượng Hoàng đế (光華英哲太上皇帝), Duệ Tông xưng làm Khâm Hoàng (欽皇).

Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của cha ông, liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Sử cũ chép: "Ất Mão (năm 1375),... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật..."

Ông đã tổ chức thi Đình năm 1374 tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Những nho sĩ thời đó như Đào Sư Tích (Trạng nguyên), Lê Hiến Phủ (Bảng nhãn), Trần Đình Thám (Thám hoa)... đều xuất thân từ bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Ông rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm...

Trần Duệ Tông còn rất chú trọng đề cao quy định riêng của triều đại. Ông hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Ông còn quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe ngựa, kiệu, tán, nghi, trượngy phục[5], tất cả đều noi theo mũ áo của đời Trần Minh Tông. Tháng 4 năm 1374, đoàn sứ nhà Trần báo tin việc truyền ngôi cho nhà Minh hay.[6]